TTO - Cả nước trên 80.550 người mắc sốt xuất huyết (SXH) thì riêng Hà Nội đã có 16.000 người mắc, trong đó có 7 người chết, mỗi tuần tiếp nhận đến 3.000 trường hợp SXH.
Ngày 14-8, Hà Nội bắt đầu triển khai phun hóa chất diệt muỗi diện rộng.
Số người bệnh cao nhất 10 năm qua
Tính đến nay đã có 17 tỉnh cho Hà Nội mượn máy phun hóa chất diệt muỗi công suất lớn nhưng mới chỉ có 7 máy được chuyển về Hà Nội.
Theo ông Hoàng Đức Hạnh - phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cộng với 2 máy Hà Nội hiện có thì có khoảng 19 máy phun hóa chất công suất lớn, 150 máy phun đeo vai công suất nhỏ trong đợt tổng phun hóa chất diệt muỗi diện rộng kéo dài đến hết tháng 8.
Chỉ một buổi sáng 14-8, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư tiếp nhận trên 700 người bệnh tới khám, đa số là mắc SXH. Ngoài Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Hà Nội đang tổ chức hàng chục điểm tiếp nhận người SXH, ước tính mỗi ngày Hà Nội có thêm trên 1.000 người mắc SXH mới. Số mắc tích lũy tính đến 14-8 đã vượt xa 16.000 người bệnh - số người bệnh cao nhất 10 năm qua.
Biến chứng trên người có bệnh nền
Theo ông Nguyễn Trung Cấp - trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, có khoảng 10-15% người bệnh tới khám có chỉ định nhập viện và khoảng 10% trong số đó nhập viện có biến chứng nặng. Theo ông Cấp, người bệnh có biến chứng nặng thường là người có bệnh nền, như đái tháo đường, cao huyết áp, xơ gan, bệnh nhân sốc và không được xử trí đúng và kịp thời.
Theo ông Nguyễn Văn Kính - giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, một biến chứng hay gặp năm nay là men gan tăng cao, nhiều người bệnh SXH đến viện sớm, không sốt cao nhưng mệt lả do men gan tăng nhiều lần. Một nhóm bệnh nhân cũng dễ gặp biến chứng nữa là phụ nữ có thai.
Theo ông Cấp, các biến chứng của bệnh xuất hiện từ cuối ngày thứ 3 và có thể ồ ạt từ ngày thứ 4. Người bệnh cần được nhân viên y tế theo dõi sát tình trạng tiểu cầu, ghi nhận có hay không có xuất huyết, thoát dịch, cô đặc máu... trong những ngày đầu để có chỉ định nhập viện điều trị vào thời điểm phù hợp.
Viết bình luận